Điểm danh những con đèo đẹp và nguy hiểm nhất Việt Nam 22/08/2019




Từ Tây Bắc núi non hùng vĩ với những con đèo đã đi vào huyền thoại trong tâm trí của rất nhiều du khách như: đèo Mã Pí Lèng, đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ…tới những con đèo hiểm trở nhưng không kém phần đẹp mắt của miền Trung như: đèo Hải Vân, đèo Cả…nhưng thật thiếu sót nếu không kể tới các con đèo ở Trung - Tây Nguyên như đèo Ngoạn Mục, đèo Hòn Giao. Mỗi lần chinh phục các con đèo này là một lần thử thách ý chí, đam mê khám phá của những lữ khách đường xa.

1. Đèo Mã Pí Lèng

Đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang

Đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang - Một trong những con đèo nổi tiếng Việt Nam

Đèo Mã Pí Lèng thuộc tỉnh Hà Giang, là cung đường hiểm trở dài khoảng 20km với độ cao 1.200m so với mực nước biển, nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang với huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Cung đường tuyệt đẹp này luôn là điểm đến hàng đầu cho du khách khi thăm quan cao nguyên đá Đồng Văn.

2. Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin - một trong "Tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam

Đèo Pha Đin có một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Với độ dài khoảng 32km, Pha Đin là một trong những con đèo dài và hiểm trở nhất Việt Nam. Và Pha Đin trong tiếng Thái là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.

3. Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ

Khau Phạ là con đèo dài và hiểm trở nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km, nằm ở khu vực tiếp giáp giữa huyện Mù Căng Chải và huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái ở độ cao từ 1200-1500m so với mực nước biển. Do thời tiết nơi đây quanh năm sương mờ bao phủ và đỉnh đèo như nhô lên trong biển mây nên Khau Phạ trong tiếng Thái nghĩa là Sừng trời.

4. Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ - con đèo dài nhất Việt Nam

Ô Quy Hồ được xem là con đèo dài nhất Việt Nam với độ dài trên 50km, nằm vắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ trên quốc lộ 4D nối liền Lào Cai và Lai Châu. Tương truyền ở vùng núi này trước kia có một loài chim có tiếng kêu da diết gắn với huyền thoại về tình yêu không thành của đôi trai gái. Từ đó theo thời gian tiếng kêu Ô Quy Hồ của loài chim đó được đặt tên cho con đèo hùng vĩ ở độ cao hơn 2000m này.

5. Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân hay còn gọi là đèo Mây (vì đỉnh núi quanh năm mây phủ) dài khoảng 20km là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Ngày nay đã có hầm Hải Vân để giao thông được thuận tiện nhưng cảm giác được rong ruổi trên những góc cua, ngắm nhìn cảnh đẹp của biển Lăng Cô của biển Đà Nẵng..cảm giác thật khó tả. Từ ngàn xưa không phải vô cớ mà đèo Hải Vân được mệnh danh là Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.

6. Đèo Cả

Đèo Cả

Đèo Cả

Trong lịch sử đèo Cả từng là ranh giới tự nhiên giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Ngày nay đèo Cả là một trong những con đèo hiểm trở và lớn nhất ở miền Trung, đèo Cả là ranh giới tự nhiên giữa huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Dài 8km, chạy quanh co, cắt ngang dãy núi Đại Lãnh tạo nên những cảnh quan độc đáo, đẹp mắt như vịnh Vũng Rô, biển Đại Lãnh, …

7. Đèo Hòn Giao

Đèo Hòn Giao

Đèo Hòn Giao

Nằm trên con đường liên tỉnh 723 nối liền thành phố biển Nha Trang và thành phố hoa Đà Lạt, đèo Hòn Giao dài 33km đi qua những khúc cua hiểm trở, những cung đường mờ sương, một bên là vách núi một bên là vực sâu. Đi qua con đèo này du khách cũng có thể ghé thăm vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà-vườn quốc gia có đa dạng sinh học bậc nhất ở Việt Nam.

8. Đèo Ngoạn Mục

Đèo Hòn Giao

Đèo Hòn Giao

Đèo Ngoạn Mục hay còn có tên gọi khác là đèo Sông Pha, dài khoảng 18km nối thành phố Phan Rang- Tháp Chàm với cao nguyên LangBiang. Với độ dốc trung bình trên 9 độ, đây là con đèo có độ dốc khá lớn ở nước ta. Nhưng bù lại du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan ngoạn mục nhất của thiên nhiên, và hai đường ống bằng thép của nhà máy thủy điện sông Pha chạy từ đỉnh đèo xuống chân đèo là điểm nhất thu hút rất nhiều sự chú ý của du khách.

9. Đèo Bảo Lộc

Đèo Bảo Lộc

Đèo Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải Vinh

Nằm trên quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc là một trong bốn con đèo từ Sài Gòn tới Đà Lạt. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đèo Bảo Lộc có vai trò huyết mạch trong việc vận chuyển và lưu thông lên cao nguyên Lâm Viên. Trong những năm gần đây đèo Bảo Lộc đã được sửa chữa, nâng cấp cho nên việc di chuyển cũng rất dễ dàng. Trên con đèo này tại hai khúc cua nguy hiểm nhất có dựng tượng của Đức Mẹ và miếu thờ ba cô. Du khách có thể ghé thăm trước khi qua đèo.

Hải Vinh